Trang chủ Tin tức-sự kiện Công khai trong giáo dục

Thư viện Trường THCS Hoàng Hoa Thám giới thiệu sách tháng 12: “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” và những nỗi đau của chiến tranh.

17/12/2023
Tháng 12 về tràn ngập không khí hào hùng, Thầy và trò trường THCS Hoàng Hoa Thám chào mừng ngày Toàn quốc kháng chiến, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không và ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam với nhiều hoạt động có ý nghĩa. "Hòa bình, độc lập, tự do" là ba từ thiêng liêng mà dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng mấy ngàn năm lịch sử gian khổ và hào hùng.

Bác sĩ Đặng Thùy Trâm (26/11/1942) sinh ra trong một gia đình trí thức có bố là bác sĩ, mẹ là dược sĩ.

Năm 1966 tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, nghe theo tiếng gọi của miền Nam ruột thịt, người con gái Hà Nội ấy đã xung phong vào miền Nam chin đấu, nơi mà có những người dân nghèo khổ, nơi mà những chiến sĩ của ta đang chiến đấu ác liệt nhất, anh dũng nhất.

Chị được phân công phụ trách Trạm xá Đức Phổ (Quảng Ngãi) - bệnh viện dân y nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh.

Những năm tháng thanh xuân hào hùng ấy đã được chị ghi lại tường tận, chi tiết trong cuốn nhật ký của mình mà sau này đã được xuất bản thành cuốn sách nổi tiếng “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” không chỉ trong nước mà trên toàn thế giới.

Chị quan niệm: “… Nhật ký này đâu phải chỉ là cuộc sống của riêng mình mà nó phải là những trang ghi lại những mảnh đời rực lửa chiến đấu và chồng chất đau thương của những con người gang thép trên mảnh đất miền Nam này".

Tháng 6/1970, khi Fredric Whitehurst, một lính Mỹ, tại chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi tính châm lửa đốt quyển sổ tay được bọc bằng vải, thu được sau một trận càn quét, người thông dịch của ông đã cản: "Đừng đốt. Bản thân nó đã có lửa rồi!". Nghe lời khuyên, người lính Mỹ ấy đã không đốt quyển sổ tay. Đó là cuốn nhật ký của một nữ chiến sĩ, một bác sĩ có cái tên thật đẹp: Đặng Thùy Trâm.

Và đến năm 2005, sau 35 năm lưu lạc trên đất Mỹ, cuốn nhật ký của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã trở về Việt Nam trong vòng tay yêu thương của người thân, bạn bè.

Từ khi cuốn nhật ký được biết đến, đã có biết bao cuộc vận động, bao phong trào ý nghĩa được phát động để người trẻ hôm nay học tập và noi gương người con gái Hà Nội kiên cường, bất khuất. Đặc biệt hơn cả, cuốn nhật ký được dịch ra khoảng 20 thứ tiếng, góp phần giúp độc giả khắp thế giới thấy được những năm tháng chiến tranh ác liệt mà dân tộc ta đã phải trả bằng máu xương để có nền hòa bình độc lập ngày hôm nay. Cuốn Nhật ký cũng chính là cảm hứng để NSND Đặng Nhật Minh xây dựng bộ phim chính kịch lịch sử “Đừng đốt” làm xúc động lòng người trong và ngoài nước.

Các bạn có muốn biết lý do vì sao trong cuốn nhật ký đó lại có “Lửa” như lời thông dịch viên nói không? Và tại sao cuốn nhật ký này lại được lưu giữ hơn 35 năm trên đất nước Mỹ và khi trở về Việt Nam lại được biết đến rộng rãi và nổi tiếng như vậy? Cùng chúng mình đến Thư viện trường THCS Hoàng Hoa Thám tìm hiểu hiểu nội dung cuốn nhật ký nhé!.

 

Ban truyền thông
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong 1 đánh giá
Chia sẻ:
TIN KHÁC

Tin nổi bật