Giáo viên và học sinh "vào guồng" ôn thi tốt nghiệp

23/04/2024
Chỉ còn 2 tháng nữa, học sinh Thủ đô sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024-2025. Thời điểm này, thầy và trò đang cùng tập trung ôn luyện kiến thức, rèn luyện, giúp học sinh trang bị kỹ năng trước khi bước vào kỳ thi quan trọng.

Lập thời gian biểu ôn thi khoa học

Đặt nguyện vọng thi đỗ ngôi trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình), Bùi Hà Anh, học sinh lớp 9A4, Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Ba Đình) đang trong giai đoạn nỗ lực ôn thi cuối cấp. Thấy được “sức nặng” của kỳ thi này, Hà Anh dành nhiều thời gian cho việc tự học, đồng thời phân bổ thời gian hợp lý để đảm bảo tốt giữa việc học và thể trạng sức khoẻ của bản thân.

“Đối mặt với kì thi vô cùng quan trọng, em nghĩ rằng học sinh nào cũng đều sẽ phải chịu rất nhiều áp lực. Tuy nhiên đó cũng chính là động lực để mình tiếp tục phấn đấu”, Hà Anh nói.

Thầy trò vào guồng ôn thi để không trượt tốt nghiệp!
Học sinh Bùi Hà Anh

Sau khi TP Hà Nội công bố 3 môn thi vào 10, cô nàng đã chủ động phân bổ thời gian hợp lí để hài hoà giữa việc học cũng như giải trí nhằm giảm bớt căng thẳng, áp lực cho bản thân.

“Theo quan điểm cá nhân của em thì việc học vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, không vì thế mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mình. Chính vì vậy, rất hiếm khi em thức khuya để làm bài. Em tranh thủ thời gian ra chơi hay được nghỉ trên lớp để tự mình học, nếu khó có thể hỏi các bạn cùng lớp.

Về nhà, em dành buổi tối cho việc tự ôn luyện, làm đề. Và mỗi sáng em chủ động dậy trước 1 tiếng để ôn lại bài. Nhờ có thời khóa biểu hợp lí và tinh thần tỉnh táo mỗi khi đến lớp, em có thể tự tin khi nói rằng kết quả học tập của em đã ngày một tốt hơn”, Hà Anh cho hay.

Còn đối với Thái Tuấn Hưng, bạn học cùng lớp của Bùi Hà Anh, càng gần những tháng cuối ôn luyện, cậu bạn càng cảm thấy lo lắng và áp lực vì việc thi đỗ vào trường cấp 3 công lập là vô cùng khó khăn.

Với nguyện vọng thi đỗ vào ngôi trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình), mỗi ngày Tuấn Hưng dành ra 12 tiếng cho việc học. Thời gian học buổi sáng chủ yếu ở trên lớp, chiều và tối, cậu bạn dành thời gian học tại nhà hoặc đi học thêm nhằm tập trung cao độ vào 3 môn chính: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh.

Thầy trò vào guồng ôn thi để không trượt tốt nghiệp!
Học sinh Thái Tuấn Hưng

“Đã có nhiều khi em phải thức đêm, đặc biệt vào thời điểm chuẩn bị thi giữa kì, cuối kì… Muộn nhất là thức đến 3 giờ sáng để học bài”, cậu bạn nói.

Tiết lộ thêm, cả 2 bạn đều nói rằng, môn Ngữ văn đang là môn học khiến các bạn thiếu tự tin và lo lắng nhất trước khi bước vào kì thi.

Đồng hành cùng học trò “vượt vũ môn”

Theo ghi nhận của phóng viên, ngay sau khi TP Hà Nội công bố kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10, biết chính xác lịch thi và số môn thi, các giáo viên bộ môn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đồng hành, hỗ trợ học sinh, từ đó, xây dựng kế hoạch triển khai ôn luyện trong giai đoạn “nước rút”.

Cô giáo Nguyễn Vân Anh – giáo viên phụ trách môn Toán trường THCS Nguyễn Trãi cho biết, để học sinh học tốt môn Toán, trước hết, các em học sinh cần đọc kĩ đề bài, phân tích, xác định dạng của bài toán để phân loại đề thi thành các dạng (câu hỏi cơ bản, câu hỏi vận dụng thấp, câu hỏi khó).

Thầy trò vào guồng ôn thi để không trượt tốt nghiệp!
Cô giáo Vân Anh trong một tiết giảng dạy trên lớp

Khi làm bài, để đảm bảo lấy được trọn vẹn điểm của các câu cơ bản, tránh mất thời gian vào các câu khó để mất điểm đáng tiếc học sinh nên làm các câu theo thứ tự dễ trước, khó sau. Với mỗi dạng bài cần lưu ý để tránh những lỗi dễ bị trừ điểm:

Dạng bài rút gọn: cần lưu ý kết hợp với điều kiện xác định

Dạng bài giải bài toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình: chú ý đơn vị và điều kiện của ẩn.

Dạng bài giải phương trình và hệ phương trình: chú ý tìm điều kiện và đối chiếu điều kiện trước khi kết luận.

Dạng bài Hình học: chú ý vẽ hình đúng yêu cầu bài toán.

Thí sinh cũng cần phân chia thời gian hợp lý cho từng phần của đề thi. Đánh dấu các câu đã làm và câu chưa làm để không bị bỏ sót ý nào trong đề.

“Và một trong những điều rất quan trọng để giúp học sinh có thể hoàn thành tốt bài thi của mình đó là phải thật bình tĩnh, tự tin, tránh căng thẳng lo lắng thái quá.

Khi học sinh thực hiện tốt các bước làm bài theo đúng hướng dẫn của thầy cô thì sẽ tránh được những lỗi sai không đáng có và hoàn thành bài thi tốt nhất trong khả năng của bản thân”, cô Vân Anh chia sẻ.

Thầy trò vào guồng ôn thi để không trượt tốt nghiệp!
Cô giáo Bùi Thị Hải Như ân cần hướng dẫn học sinh học tập môn Ngữ văn

Ở môn Ngữ văn, cô giáo Bùi Thị Hải Như – giáo viên dạy môn Ngữ văn, trường THCS Nguyễn Trãi cho hay, trong bài thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn, bài đọc hiểu chiếm khoảng 40% tổng số điểm. Phạm vi kiến thức phần đọc hiểu văn bản chủ yếu khai thác, phân tích các văn bản nằm trong chương trình Ngữ văn 9 bao gồm các văn bản văn học và văn bản nhật dụng hoặc ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, cụ thể:

Văn bản văn học: Truyện trung đại, truyện hiện đại Việt Nam sau 1945, truyện nước ngoài, thơ hiện đại Việt Nam, thơ trữ tình nước ngoài, kịch.

Văn bản nhật dụng với các chủ đề quyền con người, chiến tranh và hòa bình, hội nhập quốc tế, văn hóa truyền thống.

Ngữ liệu ngoài sách giáo khoa thuộc các thể loại tự sự, nghị luận… chủ đề liên quan đến các vấn đề xã hội hoặc tư tưởng đạo lí. Vì vậy, học sinh cần nắm vững kiến thức, cũng như kĩ năng và có chiến lược đọc hiểu đúng đắn.

Đối với cách Đọc hiểu văn bản, học sinh cần:

1. Nắm vững dấu hiệu đặc trưng của các thể loại và phương thức biểu đạt

2. Xác định đúng các biện pháp tu từ: So sánh, nhân hoá, ẩn dụ …

3. Hiểu và biết các giải nghĩa từ

4. Rèn luyện kĩ năng diễn đạt trôi chảy.

Ngoài ra, học sinh có thể học môn Ngữ văn bằng cách sử dụng sơ đồ tư duy, tư duy hình ảnh, học với giấy ghi nhớ màu sắc. Với mỗi tác phẩm, gạch chân các từ khóa quan trọng. Đặc biệt, học sinh có thể luyện tập thông qua các phần mềm như Quizzi, Google form...

Thầy trò vào guồng ôn thi để không trượt tốt nghiệp!
Cô và trò trường THCS Nguyễn Trãi trong một tiết học ôn thi cuối cấp

Với môn Ngoại ngữ, cô Lê Thu Hiền, giáo viên Tiếng Anh trường THCS Nguyễn Trãi cũng đã chỉ ra những bí quyết để học sinh ôn tập và làm bài đạt kết quả tốt, cụ thể:

Về phần phát âm, ngữ âm: Trong quá trình học từ vựng, học sinh cần chú ý luyện tập cả phần nhấn trọng âm của từ. Hơn nữa, chắc chắn trong bài thi vào lớp 10 sẽ có ít nhất là 1 trong 2 câu phát âm là đuôi ED, đuôi S/ES. Để biết được cách phát âm các đuôi này, thí sinh cần xác định chính xác âm cuối của từ.

Về phần tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa: Học sinh lưu ý cần đọc kỹ đề bài để biết cần tìm từ đồng nghĩa (Closest) hay trái nghĩa (Opposite). Nhiều học sinh bị mất điểm đáng tiếc do không đọc kỹ yêu cầu của đề. Trong trường hợp các con không biết nghĩa của từ được gạch chân, thì hãy dựa vào ngữ cảnh câu, loại từ để đoán nghĩa.

Với dạng bài câu giao tiếp: Học sinh cần nắm được cách trả lời một số lời nói mang chức năng giao tiếp cơ bản như cảm ơn, xin lỗi, khen ngợi, yêu cầu, đề nghị… theo hướng lịch sự và tích cực nhất.

Với bài đọc hiểu: Học sinh nên làm theo các bước đọc câu hỏi trước, tìm và gạch chân các từ khóa trong câu hỏi, tìm các từ khóa đã gạch chân trong bài đọc. Sau đó vận dụng kỹ thuật đọc lướt và đọc lấy thông tin chi tiết để tìm câu trả lời.

Với bài đọc điền từ: Cần xác định ô trống cân điền là loại từ gì (danh từ, động từ, tính từ, trạng từ). Cố gắng học thuộc các cấu trúc, các cụm từ cố định vì có thể chúng sẽ giúp ích khi làm dạng bài tập này.

Theo kế hoạch, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 giữ vững ổn định như giai đoạn 2022-2023, Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút. Môn Toán và Tiếng Anh thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài lần lượt là 90 và 60 phút. Nội dung thi trong phạm vi chương trình THCS do Bộ GD&ĐT ban hành, chủ yếu ở lớp 9.

Thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm nay, số học sinh lớp 9 trên địa bàn Thủ đô tham gia xét công nhận tốt nghiệp THCS năm học 2023 - 2024 tăng 5.000 em so với năm học trước, số lượng rơi vào khoảng 135.000 học sinh.

Tỷ lệ chỉ tiêu đỗ vào lớp 10 các trường công lập năm nay khoảng 60%. Số học sinh còn lại phải lựa chọn theo học tại các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường cao đẳng…

Vì vậy, kỳ thi tuyển sinh năm nay được đánh giá là “căng” hơn cả kỳ thi đại học và để các em học sinh có thể tự tin bước vào kỳ thi, giai đoạn này, thầy và trò đều đang cùng chạy đua với thời gian, tập trung ôn thi “nước rút” nhằm đạt kết quả cao.

Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong 1 đánh giá
Chia sẻ:

Tin nổi bật